TẬP HUẤN CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM NĂM HỌC 2023-2024
Phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, thực hiện Kế hoạch tập huấn bồi dưỡng thường xuyên năm học 2023-2024, chiều ngày 12/7/2023, Trường THCS Xuân Đỉnh đã tổ chức “Tập huấn công tác chủ nhiệm năm học 2023-2024”. Đây là buổi tập huấn đầu tiên trong chuỗi hoạt động đào tạo GVCN thường niên của nhà trường nhằm củng cố, nâng cao khả năng tổ chức, quản lý học sinh cho các GVCN đầu năm học.
Để buổi tập huấn đạt hiệu quả, ý nghĩa và có sức lan tỏa, BGH nhà trường cùng với BCH Công đoàn đã giao nhiệm vụ cho các nhóm thầy cô giáo (cô giáo Đỗ Thị Thu, cô Nguyễn Phương Dung, cô giáo Vi Thị Ly, cô Nguyễn Thị Hoài Phương, cô Tạ Vân Anh, cô Đỗ Thị Hương, cô Đoàn Thị Ngọc Diệp, cô Lê Quỳnh Trang và cô Nguyễn Thị Hiền) làm công tác chủ nhiệm có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo để chia sẻ các nội dung thiết thực liên quan đến công tác quan trọng này.
Mở đầu buổi tập huấn, cô giáo Lê Thị Thu Hà - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu chỉ đạo về mục tiêu và ý nghĩa của buổi tập huấn công tác chủ nhiệm với mục đích “trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp của một số nhóm các thầy cô giáo đã và đang tham gia công tác chủ nhiệm lớp đồng thời cũng mong muốn được lắng nghe những ý kiến quý báu từ thực tiễn công tác chủ nhiệm của tất cả các đồng chí trong HĐSP để mỗi thầy cô giáo có thêm những kinh nghiệm, những bài học áp dụng hiệu quả hơn trong công tác chủ nhiệm của mình”. Cô giáo nhấn mạnh vai trò của GVCN: “GVCN lớp là linh hồn của lớp học, không những đòi hỏi về chuyên môn mà còn là người đồng hành, chia sẻ, lan tỏa những cảm hứng tích cực cho học trò.”
Sau phần phát biểu của cô giáo Lê Thu Hà là phần chia sẻ về “Vai trò, nhiệm vụ của GVCN, cách tổ chức sinh hoạt tập thể, tham gia phong trào tập thể” của nhóm cô giáo Đỗ Thu và cô giáo Phương Dung - đây là 2 cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức cho HS lớp chủ nhiệm tham gia và đạt giải cao trong các hoạt động tập thể do nhà trường phát động. Hai cô giáo đã chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ, kỹ năng quan trọng một GVCN giỏi, cách tổ chức sinh hoạt tập thể và tham gia hoạt động tập thể một cách mạch lạc, hấp dẫn. Đặc biệt, thông qua video “Đừng bắt cá leo cây”, nhiều thông điệp ý nghĩa đã được hai cô gửi trao cho các đồng nghiệp của mình một cách khéo léo “Trong lớp học sẽ có những HS có năng khiếu âm nhạc, có những HS có năng khiếu thể thao - những HS mà tương lai không đòi hỏi kiến thức sâu rộng về Toán hay các môn tự nhiên. Thế thì tại sao lại để HS đánh mất chính mình chỉ vì một khả năng kém trong số rất nhiều khả năng tốt hơn mà HS chúng ta sở hữu? Hãy để “con cá” được tự do vẫy vùng nơi biển cả, để bản thân các em được tỏa sáng nơi thuộc về chính mình. Chúng tôi nghĩ rằng giáo viên, đặc biệt là GVCN cần hiểu được điều này, để phát hiện khả năng tiềm ẩn của HS, để động viên khích lệ các em học sinh mạnh dạn thể hiện bản thân, để các em được tỏa sáng nhất.”
Hai cô giáo: Đỗ Thị Thu và Nguyễn Phương Dung trong buổi tập huấn
Một nội dung chia sẻ cũng rất ấn tượng và nhiệt huyết là phần trình bày của nhóm các cô giáo Vi Ly, cô Hoài Phương, cô Tạ Vân Anh về việc “Rèn nề nếp, ý thức tự quản của lớp”. Thông qua các slide thuyết trình ngắn gọn, cô đọng, màu sắc hài hòa, các video minh họa thực tế cùng với chất giọng “chính trị gia” dõng dạc, truyền cảm của cô Vi Ly, phần chia sẻ của nhóm về các phương pháp rèn nề nếp, ý thức tự quản của lớp đã đem đến một sự mềm mại, uyển chuyển, hấp dẫn cho một nội dung tưởng như rất khô khan là “kỉ luật”. Các cô giáo khẳng định:“Việc rèn nề nếp cho HS, ý thức tự quản cho lớp chủ nhiệm có một vai trò rất quan trọng bởi bên cạnh việc mở rộng tri thức, hiểu biết, những kĩ năng cho HS thì giáo dục các con trở thành những đứa trẻ nghiêm túc, có tính kỉ luật cũng là một chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa thành công trong tương lai.”
Cô Tạ Vân Anh, cô Hoài Phương, cô Vi Ly chia sẻ về nội dung “Rèn nề nếp, ý thức tự quản của lớp”
Tiếp theo chương trình là phần trình bày chia sẻ của nhóm cô giáo Đỗ Thị Hương, cô Đoàn Ngọc Diệp về nội dung “Tổ chức hoạt động trải nghiệm tại lớp”. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm hiệu quả để hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh là một yêu cầu rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. Tuy nhiên, để tổ chức hiệu quả các hoạt động này không phải giáo viên nào cũng cảm thấy dễ dàng. Chính vì vậy, phần chia sẻ của hai cô giáo giống như ngọn đèn soi tỏ, giúp các thầy cô giáo trong hội đồng nắm bắt dễ dàng được các bước thực hiện: từ việc đặt tên cho hoạt động sao cho rõ ràng, chính xác, ngắn ngọn, phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động đến việc xác định mục tiêu của hoạt động, từ việc xác định nội dung và hình thức cho các hoạt động đến khâu chuẩn bị và lập kế hoạch hoạt động thiết kế chi tiết hoạt động đến khâu cuối cùng là kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động.
Cô Đoàn Diệp và cô Đỗ Thị Hương trong buổi chia sẻ
Khép lại chương trình là phần chia sẻ của nhóm cô giáo Nguyễn Thị Hiền và cô giáo Lê Quỳnh Trang về nội dung “Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài trường; CMHS. Trong phần chia sẻ của mình, các cô giáo đã khẳng định: Để thực hiện chức năng quản lí toàn diện giáo dục, đòi hỏi GVCN không chỉ nắm chắc mục tiêu lớp học, cấp học, có những kiến thức cơ bản về Tâm lí học, Giáo dục học, có hiểu biết về văn hoá, pháp luật, chính trị... mà cần phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nhà trường, đặc biệt với cha mẹ học sinh. Các cô đã đưa ra một số phương pháp hiệu quả để thắt chặt hơn những mối quan hệ trên trong hành trình nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ trưởng thành.
Cô giáo Lê Quỳnh Trang và cô Nguyễn Thị Hiền trong buổi chia sẻ
Có thể nói, trong cái oi nồng của mùa hạ, các phần chia sẻ ý nghĩa của các cô giáo của nhà trường về công tác chủ nhiệm như một con mưa mát lành xoa dịu những mệt mỏi, tưới mát thêm bao kĩ năng và kiến thức cho các thầy cô về công tác chủ nhiệm - một công việc thường xuyên nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi vậy, với các giáo viên tham gia buổi tập huấn, đây chính là không gian để chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện thực tế về công tác quản lí lớp, về cách xử lý tình huống có lý, có tình. Từ đó mỗi thầy cô sẽ rút ra các bài học, hoàn thiện kĩ năng ứng xử, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bậc phụ huynh và học sinh.
Hình ảnh các thầy cô giáo trong tập thể sư phạm nhà trường tham gia tập huấn
Hy vọng rằng, với những buổi tập huấn thiết thực và ý nghĩa như vậy, mái trường THCS Xuân Đỉnh sẽ có thật nhiều thầy cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn hội tụ đầy đủ các yếu tố Tâm - Tầm - Tài. Từ đó, tập thể giáo viên nhà trường cùng chung tay xây dựng nên một không gian học tập hiệu quả, những lớp học hạnh phúc cho các em học sinh và hứa hẹn chào đón một năm học mới với những thành công rực rỡ.